Hôm qua, Hà Nội bắt đầu đổ mưa sau những ngày nắng oi. Hà Nội vẫn luôn bất ngờ, dịu êm, nhẹ nhàng cỡ nào cũng có lúc mãnh liệt đến khó thở.
Mưa kéo sang ngày hôm nay, rả rích, rả rích. Mình là một người thích những cơn mưa. Mình thích mưa bởi mưa làm mình sống chậm lại. Chậm lại để cảm nhận những hơi thở cuộc sống, chậm lại để không phải bon chen, chậm lại để cảm nhận rõ hơn về những suy nghĩ của mình.
Hôm nay, không buồn, không vui, mọi thứ vẫn thế, xung quanh vẫn thế. Hôm nay cũng chẳng phải ngày gì đặc biệt, chỉ là hôm nay trời đổ cơn mưa, cảm xúc của mình lại dâng lên và muốn viết một thứ gì đó.
Mình hiện tại đang là sinh viên năm ba của một trường đại học ở Hà Nội. Cũng sắp bước qua ba phần tư quãng đời sinh viên rồi. Đã có những định hướng và đang đi theo những lộ trình đã đặt ra. Ở tuổi này, mình chọn dấn thân thật nhiều và khám phá.
Có một bài viết mình rất tâm đắc của nhà văn Phan Việt. Chị viết rằng: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18-25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khoẻ và sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”. Mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả và mình gọi khoảng thời gian ấy là tuổi trẻ.
Mấy hôm trước, mình có ngồi trò chuyện với một người bạn ở trường đại học của mình. Bạn tâm sự rằng, năm ba rồi mà nhà trường chẳng dạy cho bạn cái kiến thức nào cả. Bạn bảo rằng bạn chưa học được cái gì từ năm nhất đến giờ. Và mình rất bất ngờ với câu nói đấy của bạn. Bây giờ là năm 2020 rồi mà bạn vẫn giữ cho mình những suy nghĩ như thế. Vẫn trông mong vào nguồn kiến thức được học ở đại học và vẫn còn sử dụng cho mình phương pháp học tập thụ động. Và quan trọng hơn cả, là bạn vẫn đang giữ cho mình một tư duy vô cùng nguy hiểm, đó là tư duy lên đại học chỉ biết “học” đại học.
Tư duy này đã ăn sâu trong chúng ta từ khi còn là một đứa trẻ. Chúng ta vẫn thường được các bậc cha mẹ thầy cô nói rằng học cấp 1, học cấp 2, học cấp 3 cho giỏi rồi thi đỗ và học đại học. Sau đó tìm một công việc ổn định. Chính những câu nói này đã hằn sâu trong suy nghĩ của chúng ta và rồi trong vô thức, chúng ta lên đại học là để “học” đại học. Cách tiếp cận của việc học ở đại học rất khác so với học ở trường phổ thông. Rất nhiều sinh viên học đại học theo cách họ được dạy ở phổ thông và đó là một cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm. Họ tiếp tục bước vào lớp học và chờ giảng viên hướng dẫn và trao cho mình các kiến thức.
Ở Việt Nam, chúng ta khá dễ dãi trong việc sử dụng từ ngữ của mình. Tất cả đều gom chung trong một thứ đó là HỌC. Tuy nhiên trong tiếng Anh, thì người ta phân chia rất rõ ràng. Khi các bạn còn đi học cấp một, cấp hai, thì người ta gọi là “LEARN” . Nhưng khi các bạn lên đến cấp 3 và đặc biệt khi lên đến đại học, thì người ta gọi là “STUDY”. Cùng mang nghĩa là học tập, nhưng hai động từ này khác nhau rất nhiều.
LEARN là tiếp thu kiến thức một chiều. Đó là quá trình tiếp nhận những câu trả lời, kiến thức từ thầy cô, sách vở. Và dĩ nhiên, đây là một quá trình rất cần thiết khi một đứa trẻ còn rất nhỏ. Chúng phải tích luỹ những hiểu biết, những khái niệm cơ bản về thế giới xung quanh. Vì vậy khi còn nhỏ, những đứa trẻ sẽ “LEARN”. Ngược lại, khi trưởng thành hơn thì các bạn trẻ phải bắt đầu “STUDY”. Đây là quá trình để tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu. Với STUDY, bạn phải chủ động tìm kiếm kiến thức, chủ động đặt câu hỏi, trăn trở và thách thức cho mình. Bên cạnh đó bạn phải luôn luôn thu thập, phân tích và hệ thống những câu hỏi, câu trả lời của các bạn.
Chúng ta đang là những sinh viên được sống trong thời đại bùng nổ về công nghệ, chúng ta cần phải thu nhập những thông tin đa chiều từ internet, sách tham khảo, các forum, các câu lạc bộ và các công việc part-time để tăng hiểu biết của mình lên. Cuối cùng bạn cần đưa ra cho mình những quyết định, lựa chọn phương thức, chiến lược phù hợp nhất với hoàn cảnh, tố chất, định hướng của riêng các bạn.
Hãy chủ động gom góp các thông tin đa chiều từ thầy cô, sách vở, bạn bè, câu lạc bộ và từ những trải nghiệm của riêng các bạn. Trong quá trình đó, từ từ các bạn sẽ xây dựng cho mình được sự tự tin, những góc nhìn sâu sắc hơn.
Tuổi trẻ này là của chúng ta, sự nghiệp này là của chúng ta, trăn trở này là của chúng ta, cho nên hãy cởi mở và quyết liệt lên, tìm cho ra được định hướng, những câu trả lời cho riêng mình.
Hãy chủ động đi tìm tri thức. Tri thức ở khắp mọi nơi. Đi tích luỹ nó ở bất cứ nơi nào bạn có thể. Hãy bỏ tư duy “mì ăn liền” đi. Đừng có cái gì cũng muốn có ngay kết quả mà không phải bỏ công sức. Cái gì cũng muốn người ta mang dâng đến cho mình, ngồi dung đùi mà hưởng trái ngọt.
Tuổi trẻ này là của ta, khoảng thời gian từ 18-25 là quãng thời gian đẹp nhất của giai đoạn tuổi trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, hãy dấn thân thật nhiều, đặt ra cho mình thật nhiều những câu hỏi, những trăn trở về cuộc đời, về xã hội, về dân tộc. Và là một người trẻ, chúng ta cần phải có cho mình một khát vọng lớn.
Mình rất thích bài viết của anh Vũ Đức Trí Thể, trong blog của mình anh có viết một đoạn khiến mình cực kì ấn tượng. “Đừng chỉ mong làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày, làm sao có thể thi đỗ tốt nghiệp, làm sao có thể tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường, làm sao có thể tự lo cho bản thân sau khi tốt nghiệp. Điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản, không phải là ít dân, mà điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không giám khát vọng lớn, không giám mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh, ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi toàn cầu; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được đây ? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà những quán cafe, quán nhậu, những thú vui cho quên sầu, giết thời gian”.
Tâm sự một hồi đến giờ, chung quy lại thì mình chỉ muốn nói với các bạn rằng, hãy chủ động. Hãy STUDY và biết nỗ lực học một cách chủ động. Nếu bạn còn đang học tập, tư duy theo lối cũ. Thì hãy chủ động thay đổi. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi ?
Thời sinh viên của chúng ta thật đẹp, hãy tận hưởng nó và đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.
| 20 – 9 – 2020 |
Xem thêm một số cách nâng cao hiệu quả học tập trên đại học của mình tại đây.