Mọi người đều biết đến tài khoản ngân hàng là gì? Chúng ta gửi tiền vào đó, lập một tài khoản tiết kiệm và có thể rút ra sử dụng khi cần. Vậy thì ứng với một mối quan hệ, chúng ta cũng cần phải có “tài khoản tình cảm”. Đây là một ẩn dụ miêu tả độ tin cậy được tạo dựng trong mối quan hệ. Đó là cảm giác an toàn mà bạn có được với một người nào đó.
Nếu mình kí gửi vào tài khoản tình cảm của bạn bằng sự nhã nhặn, tử tế, trung thực và giữ đúng các cam kết với bạn, thì mình sẽ có được một khoản dự trữ. Sự tin cậy của bạn dành cho mình sẽ tăng lên và mình có thể nhờ đến sự tin cậy đó nhiều lần khi cần. Thậm chí ở một chừng mực nào đó, nếu gây ra lỗi lầm với bạn thì mức độ tin cậy sẽ cao sẽ bù đắp cho lỗi lầm của mình.
Thông điệp trong giao tiếp của mình nhiều khi không đủ rõ ràng, nhưng bạn vẫn có thể hiểu ý mình muốn chia sẻ. Bạn sẽ không bắt bẻ, vạch lá tìm sâu khi mình trình bày. Một khi tài khoản tin cậy cao, thì quá trình giao tiếp trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả.
Nhưng ngược lại, nếu mình có thói quen cư sử bất nhã, thiếu tôn trọng, hắt hủi, giận giữ, xem thường bạn, thất thường trong tính khí, hay thậm chí phản bội, đe doạ. Thì cuối cùng, tài khoản tình cảm của mình sẽ bị thấu chi (chi quá số dư trên tài khoản). Sự tin cậy bạn dành cho mình sẽ giảm xuống. Khi đó, liệu có còn cơ hội nào dành cho mình nữa không ?
Chắc chắn là không.
Vậy chúng ta cần gửi những loại khoản gửi nào, để có thể duy trì tài khoản tình cảm ?

Thấu hiểu những nét riêng biệt của người khác
Nỗ lực thấu hiểu người khác có lẽ là khoản gửi quan trọng nhất mà bạn có thể tích luỹ, và nó là chìa khoá quyết định các khoản gửi khác. Bạn sẽ không biết điều gì tạo nên một khoản gửi thật sự nếu bạn không hiểu về người đó.
Chúng ta có khuynh hướng áp đặt những chủ kiến của riêng mình về những gì người khác muốn và cần. Vì vậy chúng ta hay áp đặt ý định của mình lên hành vi của người khác, và lí giải điều tạo nên khoản gửi dựa trên nhu cầu và ước muốn của chúng ta, ở một thời điểm hiện tại hay ở một độ tuổi nào đó, một giai đoạn trong cuộc đời nào đó.
Có một nguyên tắc vàng nói rằng “Hãy cư sử với người khác theo cách bạn muốn họ cư xử với mình”. Điều này có nghĩa là hãy làm cho người khác những điều mà bạn muốn họ làm cho mình. Bên cạnh đó, thì bạn muốn mình được thấu hiểu như thế nào, thì hãy làm tương tự điều đó với họ.
Quan tâm đến những điều nhỏ nhất
Sự tử tế và nhã nhặn cho dù là rất nhỏ vẫn rất quan trọng. Ngược lại, nếu bất lịch sự, thiếu tử tế hoặc thiếu tôn trọng đến những thứ nhỏ nhặt thì vẫn tạo ra những “khoản chi” lớn. Thật vậy, trong các mối quan hệ, những điều tưởng như nhỏ bé lại rất hệ trọng..
Giữ lời hứa
Giữ lời hứa hay giữ cam kết là kí gửi một khoản lớn vào “tài khoản tình cảm”. Còn khi làm ngược lại, tài khoản của bạn sẽ thất thoát nặng nề. Trong thực tế, không có khoản chi nào lớn hơn việc đưa ra lời hứa quan trọng với ai đó rồi thất hứa. Lần tới bạn có hứa nữa thì họ cũng sẽ không còn tin bạn nữa. Con người ta thường nuôi hi vọng vào những lời hứa, nhất là khi lời hứa ấy liên quan đến kế sinh nhai của họ.
Làm rõ những kì vọng
Hầu hết những vướng mắc trong các mối quan hệ đều xuất phát từ việc xung đột hoặc không rõ ràng trong kì vọng về vai trò của nhau và mục tiêu cần đạt được. Do đó, chúng ta cần trao đổi và xác định được ai làm việc gì, tránh những hiểu lầm, thất vọng và làm mất lòng tin ở nhau.
Thể hiện sự chính trực của bản thân
Sự chính trực của bản thân sinh ra niềm tin và là cơ sở để tạo ra nhiều khoản kí gửi khác.
Thiếu vắng sự chính trực sẽ huỷ hoại mọi nỗ lực tạo dựng tài khoản niềm tin. Người ta có thể đạt được sự thấu hiểu, tinh tế với những điều nhỏ nhặt, giữ cam kết và lời hứa, đáp ứng mọi kì vọng những vẫn không thể tạo dựng được niềm tin nổi người khác nếu họ làm tất cả điều đó bằng sự giả dối bên trong.
Chính trực không chỉ bao hàm sự thành thật mà còn hơn thế nữa. Thành thật là nói lên sự thật- nói cách khác, đó là làm cho điều mình nói phù hợp với sự thật. Trong khi chính trực là làm cho sự thật khớp với điều mình nói- nói cách khác, đó là việc giữ lời hứa, và cam kết thực hiện các kì vọng.
Một trong những cách quan trọng nhất để thể hiện tính chính trực là trung thành với những người vắng mặt. Làm như thế, chúng ta đang xây dựng lòng tin đối với những người có mặt.
Chân thành nhận lỗi và xin lỗi khi thực hiện bất kì khoản chi nào
Khi tạo ra một khoản chi trong tài khoản tình cảm với một mối quan hệ nào đi, chúng ta cần nhận lỗi chân thành. Khoản gửi sẽ đến từ sự chân thành ấy.
Phải có một nhân cách mạnh mẽ, bạn mới có thể nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi xuất phát từ tấm lòng hơn là sự thương hại. Để tài khoản tình cảm sinh sôi, việc nhận lỗi phải thật chân thành , và người nhận lời cũng sẽ cảm nhận được sụ chân thành ấy.
Tổng kết
Bài viết trên được mình chắt lọc từ một số ý trong cuốn sách yêu thích của mình mang tên “7 thói quen hiệu quả” của tác giả Franklin Covey. Bây giờ có lẽ bạn đã biết làm thế nào để có thể tạo dựng một mối quan hệ bền vững rồi.
Điểm lại một chút về những cách xây dựng mối quan hệ bền vững cho bạn nhé :
1. Thấu hiểu những nét riêng biệt của người khác. Hãy cư xử với người khác như cách mà bạn muốn họ cư xử với mình.
2. Quan tâm đến những điều nhỏ nhất. Trong một mối quan hệ, những điều tưởng trừng như nhỏ bé đôi khi lại rất quan trọng.
3. Giữ lời hứa. Một lần bất tín vạn lần bất tin.
4. Làm rõ những kì vọng. Chúng ta cần làm rõ vai trò, tránh sự hiểu lầm, thất vọng, làm mất lòng tin ở nhau.
5. Thể hiện sự chính trực của bản thân. Thật là vô nghĩa nếu chúng ta làm tất cả những điều trên bằng sự giả dối bên trong.
6. Chân thành nhận lỗi và xin lỗi khi làm sai.
Bài học mình rút ra đó chính là ”Hãy cư sử với người khác theo cách bạn muốn họ cư xử với mình. Điều này có nghĩa là hãy làm cho người khác những điều mà bạn muốn họ làm cho mình. Bên cạnh đó, thì bạn muốn mình được thấu hiểu như thế nào, thì hãy làm tương tự điều đó với họ”.
Xem thêm các bài viết về lifestyle của mình tại đây.
Mình là Nguyên và hi vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn.