Đàm phán lương (Deal lương) là bước cuối cùng và rất quan trọng trong quy trình tuyển dụng. Bởi nó ảnh hưởng đến quyền lợi của chính bạn trong thời gian làm việc tại công ty trong tương lai. Biết được cách đàm phán lương hiệu quả, bạn sẽ có được mức lương như mong đợi và có được sự hài lòng trong công việc, tránh được cảm giác bất mãn và sớm rời bỏ công việc.
Một công việc yêu thích cộng với mức lương lý tưởng là điều mà bất kỳ ai khi đi xin việc cũng ao ước. Nhưng phải làm thế nào để có thể nói rõ với nhà tuyển dụng về mức lương mà bạn mong muốn. Hãy lắng nghe những chia sẻ ở bài viết dưới đây!

Table of Contents
1. Nghiên cứu mặt bằng lương
Điều đầu tiên cần làm trước khi bước vào cuộc đàm phán lương là bạn cần tìm hiểu và nắm bắt được mặt bằng lương ở thời điểm hiện tại. Do nền kinh tế luôn có sự biến động. Tìm hiểu trước về mức lương sẽ giúp bạn tránh được những tình huống mất điểm trước nhà tuyển dụng. Ví dụ như đưa ra con số quá cao về mức lương. Hoặc đưa ra con số quá thấp dẫn đến mất quyền lợi.
Bạn có thể tìm hiểu thông tin về mức lương bằng cách hỏi người thân, bạn bè hoặc liên hệ với các tổ chức tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp và tham khảo kết quả những cuộc khảo sát hằng năm của họ. Ngoài ra bạn cũng có thể kiểm tra trên các website hỗ trợ tra cứu lương
2. Thuyết phục bằng năng lực trước khi đưa ra mức lương

Hãy nhớ rằng trong buổi phỏng vấn, ứng viên nên thuyết phục nhà tuyển dụng bằng năng lực trước khi đưa ra mức lương. Phần lớn những lời khuyên đều đưa ra là đừng chủ động đề cập mức lương với nhà tuyển dụng. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nên nhớ ứng viên chỉ đề cập mức lương một khi đã thuyết phục được nhà tuyển dụng về khả năng của mình.
Nếu chưa đạt được điều đó hoặc trong buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng vẫn chưa có ý định đó, ứng viên hãy tiếp tục thuyết phục họ bằng khả năng của mình cũng như những đóng góp cho công ty trong tương lai. Một khi nhà tuyển dụng cảm thấy ưng ý, tự họ sẽ nhắc đến vấn đề lương, thưởng.
3. Thẳng thắn khi đàm phán lương
Một lời khuyên chân thành với ứng viên rằng đừng tỏ ra quá khiêm tốn khi đưa ra mức lương mong muốn. Nhiều người nghĩ rằng tỏ ra khiêm nhường khi được hỏi về mức lương mong muốn sẽ làm hài lòng nhà tuyển dụng. Nhưng hãy cẩn thận, đưa ra mức lương thấp sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn không có năng lực.
Nếu muốn tăng mức thu nhập lên so với con số nhà tuyển dụng đưa ra thì hãy bắt đầu bằng tiền lương. Sau đó là tiền thưởng, thời gian nghỉ… Trước tiên, dù chưa hài lòng nhưng cũng đừng tỏ thái độ. Thay vào đó, hãy cho họ thấy sự cảm ơn và tôn trọng. Qua đó, ứng viên sẽ lấy được cảm tình hơn trong quá trình trao đổi.
4. Cẩn thận và khéo léo khi nói về mức lương cũ

Mức lương cũ là điều nếu nhà tuyển dụng hỏi rõ thì bạn mới nên khéo léo trả lời. Còn nếu không, bạn nên giữ lại và không đề cập đến. Bởi vì có thể mức lương nhà tuyển dụng đưa ra cao hơn nhiều so với mức cũ mà bạn nhận được. Nếu biết được điều này, một số nhà tuyển dụng sẽ suy nghĩ hạ mức lương xuống một chút mà vẫn khiến bạn hài lòng.
5. Chú ý chế độ phúc lợi
Chế độ phúc lợi cũng là điều quan trọng khi bạn quyết định làm ở một công ty nào đó. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và môi trường làm việc của bạn. Nhất là khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương hơi thấp so với mong muốn. Bạn nên cân nhắc đến các phúc lợi cho người lao động như tiền thưởng, chế độ phụ cấp, bảo hiểm… Việc này sẽ giúp bạn đánh giá toàn diện và đảm bảo lợi ích mà công việc này mang đến.
Bạn cũng nên nói rõ với nhà tuyển dụng về yêu cầu đối với trang thiết bị văn phòng, vị trí làm việc. Điều đó thể hiện bạn thực sự quan tâm đến công việc và phong cách của bạn trong công việc như thế nào.
6. Đặt câu hỏi để khai thác thêm thông tin khi đàm phán lương
Như đã nói, việc đàm phán lương phải được thảo luận và được chấp thuận từ cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng. Do đó, thay vì chỉ nghe câu hỏi và trả lời thì bạn cần chủ động đặt câu hỏi nếu chưa rõ về vấn đề gì liên quan. Cụ thể bạn nên đặt câu hỏi về phúc lợi, thưởng KPI, bảo hiểm, trợ cấp ăn trưa, giữ xe,… Như vậy sẽ giúp bạn dễ hình dung bức tranh tổng quát về lương thưởng và những đãi ngộ khi làm việc tại công ty.
7. Chuẩn bị kỹ càng

Dù làm việc gì thì chuẩn bị trước là điều cần thiết. Chuẩn bị kỹ càng về thông tin, cách ứng xử, giao tiếp hay một mức lương hợp lý… không chỉ giúp bạn tự tin còn giúp cho bạn dễ dàng xử lý các tình huống xảy ra khi đàm phán lương nữa đấy.
8. Thực hành trước khi đàm phán lương
Thực hành đôi khi còn quan trọng hơn cả lý thuyết. Chỉ chuẩn bị tất cả trong đầu thôi thì chưa đủ. Bạn cần phải nói ra và luyện tập nói như thế nào để thuyết phục. Trước tiên, hãy tạo cho mình một kịch bản trò chuyện hợp lý rồi luyện tập để đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, hãy thử đặt ra các tình huống và tìm cách giải quyết.
Không phải ai cũng có sự khéo léo và linh hoạt. Do đó, việc luyện tập trước cũng sẽ giúp cho bạn nhanh nhạy hơn xử lý tình huống.
Đàm phán lương có thể rất khó khăn và cân não với không ít người, nhưng nó rất quan trọng và hoàn toàn xứng đáng để bạn cố gắng chứng tỏ bản thân mình. Hãy mạnh dạn đàm phán lương với nhà tuyển dụng để đảm bảo quyền lợi cho mình. Đừng ngại thất bại, sẽ chẳng nói trước được điều gì nếu bạn không thử. Chúc các bạn mọi điều thành công!
Tham khảo thêm những kỹ năng quan trọng khi xin việc cho sinh viên mới ra trường tại đây.
Comments 1